• Chi tiết dự án

Tổng kết Hoạt động Truyền thông nguy cơ bệnh dịch tả trâu bò (rinderpest) dành cho các hộ chăn nuôi tại Việt Nam

Hoạt động

Tổng kết Hoạt động Truyền thông nguy cơ bệnh dịch tả trâu bò (rinderpest) tại Việt Nam

Tổng kết Hoạt động Truyền thông nguy cơ bệnh dịch tả trâu bò (rinderpest) tại Việt Nam
Ngày 30/6/2022, tại Hà Nội, Viện Sức khỏe Môi trường và Phát triển bền vững (IEHSD) đã tổ chức Hội thảo tổng kết Hoạt động truyền thông nguy cơ bệnh dịch tả trâu bò (rinderpest) dành cho các hộ chăn nuôi tại Việt Nam với sự tham gia của 20 đại biểu đến từ: Cục Thú y, Chi cục Thú y Vùng 1, 3, 4, 5, 6, 7, Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh Đắc Lắc, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh và Đại học Cần thơ. Hoạt động truyền thông nguy cơ rinderpest dành cho các hộ chăn nuôi tại Việt Nam, do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO) tại Việt Nam tài trợ, nằm trong khuôn khổ giai đoạn II của dự án An ninh sinh học toàn cầu thời kỳ hậu thanh toán rinderpest.

Trong lời phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Juan Carrique-Mas - đại diện của FAO tại Việt Nam nhấn mạnh, mặc dù rinderpest đã được thanh toán trên phạm vi toàn cầu từ năm 2011 nhưng mẫu virus của dịch bệnh này vẫn được lưu hành tại một số quốc gia trên thế giới, vì vậy nguy cơ xảy ra dịch bệnh vẫn còn. FAO hợp tác với nhiều tổ chức và quốc gia để nâng cao nhận thức của các cộng đồng về nguy cơ rinderpest cũng như những dịch bệnh xuyên biên giới khác.

 

Hội thảo tổng kết Hoạt động truyền thông nguy cơ rinderpest

 

Trong Báo cáo Chiến lược Truyền thông nguy cơ rinderpest dành cho các hộ chăn nuôi tại Việt Nam, Tiến sỹ Phạm Đức Phúc - Viện trưởng IEHSD nhận định, việc lưu giữ các mẫu virus rinderpest trong các phòng thí nghiệm, dưới góc độ an ninh sinh học, đang tiềm ẩn những nguy cơ tán phát dịch bệnh cả vô tình lẫn có chủ đích.

 

Tiến sỹ Phạm Đức Phúc phát biểu tại Hội thảo

 

Theo Tiến sỹ Phúc, Hoạt động truyền thông nguy cơ rinderpest tại Việt Nam  hướng tới 3 nhóm hưởng lợi chính là: (i) tổ chức, cơ quan thuộc ngành thú y – chăn nuôi;  (ii) cán bộ và nhân viên thú y – chăn nuôi tại địa phương; (iii) hộ nông dân, những người chăn nuôi trâu bò.

 

Báo cáo tổng kết của Hội thảo cho biết, hiện đã có 58 cán bộ, nhân viên thú y tại hai địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắc Lắc và huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre tham gia khóa tập huấn T.O.T nhằm nâng cao năng lực truyền thông nguy cơ về rinderpest.  

          

Tập huấn T.O.T tại Ba Tri, Bến Tre

 

Bên cạnh việc được trang bị những thông tin, kiến thức về rinderpest và một số dịch bệnh mới nổi trong chăn nuôi, các học viên của khóa tập huấn này còn được hướng dẫn và thực hành những kỹ năng truyền thông, phương pháp lập kế hoạch và thực hiện các buổi truyền thông tại cộng đồng. Sau khóa tập huấn, cán bộ và nhân viên thú y cấp cơ sở đã tiến hành các buổi truyền thông cộng đồng tại 4 xã thuộc hai địa bàn dự án với sự tham gia của 240 nông dân là đại diện các hộ chăn nuôi bò tại địa phương.

 

Người chăn nuôi tìm hiểu thông tin về dịch bệnh tại buổi truyền thông cộng đồng

 

Theo kết quả đánh giá sau các buổi truyền thông cộng đồng, 80% những người tham gia là những hộ chăn nuôi bò đều biết rõ cách thức liên lạc với nhân viên thú y cơ sở hoặc chính quyền địa phương để khai báo thông tin dịch bệnh, đồng thời tự lựa chọn cho riêng mình những phương thức phòng, chống dịch bệnh phù hợp với điều kiện và khả năng của gia đình, áp dụng các giải pháp phòng chống dịch bệnh để đạt hiệu quả cao nhất tại địa phương.

 

Hội thảo tổng kết là dịp để các cán bộ ngành thú y trong cả nước gặp gỡ, trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động. "Đây là lần đầu tiên cán bộ, nhân viên thú y ở Đắc Lắc được biết đến cách tiếp cận Một Sức khỏe trong hoạt động truyền thông cộng đồng. Đây cũng là lần đầu tiên các học viên gồm cán bộ thú y cấp tỉnh, huyện và nhân viên thú y cơ sở cùng tham gia khóa tập huấn, được trực tiếp trao đổi thông tin, kiến thức, thảo luận nhóm và xây dựng kế hoạch thực hiện chiến dịch truyền thông cộng đồng" - bà Lê Thị Hồng Ngân - cán bộ thuộc Chi cục Thú y - Chăn nuôi tỉnh Đắc Lắc cho biết.

Bà Trần Thị Thêu - Phó trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắc Lắc cho biết, rinderpest đã được thanh toán tại Việt Nam từ rất lâu nên hầu hết người chăn nuôi và một số cán bộ thú y ở cơ sở không hề biết đến bệnh dịch này.

 

Theo cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y Buôn Hồ, Hoạt động truyền thông nguy cơ rinderpest không những cung cấp kiến thức về rinderpest và những dịch bệnh mới nổi mà còn hỗ trợ và tạo cơ hội để cán bộ, nhân viên thú y cơ sở thực hành các hoạt động truyền thông cộng đồng. Những thông điệp về rinderpest bằng tiếng Việt và tiếng Ê Đê đã giúp người dân, nhất là người dân tộc thiểu số trên địa bàn hiểu rõ hơn về dịch bệnh, những cách thức phòng chống dịch bệnh thông thường trong chăn nuôi và liên hệ với cán bộ, chính quyền khi cần thiết.

 

Cán bộ Trạm Thú y - Chăn nuôi thị xã Buôn Hồ

 

Kết thúc Hội thảo, các đại biểu cùng thống nhất cho rằng, hoạt động truyền thông nguy cơ các bệnh dịch trong chăn nuôi cần được tăng cường và mở rộng nhiều hơn nữa nhằm hỗ trợ phát triển, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ và bác sỹ thú y trong việc phát hiện, ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh và kiểm soát các dịch bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hoạt động này còn góp phần tăng cường an ninh y tế của quốc gia và đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe con người và sức khỏe động vật khỏi các bệnh truyền nhiễm, các nguy cơ sức khỏe cộng đồng hoặc các sự cố khẩn cấp khác.



Bài viết cùng chuyên mục

 Nhận báo giá tốt