Hội thảo đã thu hút hơn 70 đại biểu cấp cao tham dự, bao gồm các nhà quản lý từ Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các bác sỹ từ bệnh viện tại địa bàn thành phố như bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện Nhi Trung ương, các nhà khoa học từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Đại học Y Hà nội, Đại học Y tế Công cộng…
Ông Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo “Kháng kháng sinh: cơ hội và thách thức”
Hội thảo có ý nghĩa quan trọng khi mức độ kháng thuốc ở Việt nam ngày càng trầm trọng và gây áp lực lớn lên sức khoẻ cộng đồng. Ngoài gánh nặng tài chính do việc điều trị kéo dài, chúng ta còn phải đối mặt với khả năng của một tương lai không có thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả đối với một số bệnh nhiễm khuẩn, nhất là đối với các phẫu thuật và điều trị như hóa trị liệu ung thư và cấy ghép mô.
Hội thảo có sự góp mặt của nhiều nhà quản lý, bác sĩ, giảng viên, nhà khoa học đến từ các cơ quan, bệnh viện, viện nghiên cứu, trường đại học trong lĩnh vực y tế
Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận thực trạng sử dụng kháng sinh tại bệnh viện, các cơ sở y tế và cộng đồng, chỉ ra thực trạng kháng thuốc tại Việt nam khi mà tỷ lệ kháng kháng sinh thuộc nhóm cao nhất thế giới, đặc biệt xuất hiện nhiều vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh, và chi phí dành cho kháng sinh ngày càng cao. Nguyên nhân kháng kháng sinh ở các bệnh nhân mắc COVID-19 cũng được thảo luận, bao gồm việc bội nhiễm do virus SARS-COVI-2 gây ra và
vấn đề quá tải của hệ thống y tế dẫn đến chất lượng chăm sóc giảm sút. Tại cộng đồng, thực trạng các nhà thuốc bán kháng sinh không cần đơn cao và nhận thức của người dân về kháng sinh và sử dụng kháng sinh còn thấp, gây thêm khó khăn cho các bác sỹ trong việc chẩn đoán và chữa bệnh.
Các chuyên gia quản lý và bác sĩ lâm sàng tham gia phiên thảo luận buổi sáng
Các chuyên gia cũng chỉ ra những thách thức của ngành y tế trong việc giảm tỉ lệ kháng kháng sinh, đặc biệt do thiếu sự phối hợp liên ngành một cách thường xuyên và có hiệu quả, sự thiếu đầu tư vào năng lực và cơ sở hạ tầng trong ngành vi sinh, cũng như thiếu lực lượng lao động sẵn sàng ứng phó trong tương lai.
Phiên thảo luận buổi chiều có sự góp mặt của các nhà nghiên cứu, giảng viên về kháng kháng sinh
Tại hội thảo, các đại biểu đưa ra những khuyến nghị cụ thể nhằm giảm thiểu gánh nặng do kháng kháng sinh mang lại, bao gồm:
- Tăng cường kết nối trong nội bộ và liên ngành:
- Kết nối trong nội bộ ngành y dược: hướng đến việc hỗ trợ các tuyến cấp xã, huyện, tỉnh về mặt chuyên môn như giám sát, xét nghiệm và sử dụng kháng sinh tại cộng đồng
- Kết nối giữa các ngành: tận dụng thế mạnh của các ngành khác nhau như y tế, thú y, dịch tễ nhằm theo dõi và cách ly kịp thời nhằm giảm sự lây lan của các mầm bệnh nguy hiểm
- Vai trò của ngành vi sinh học là chìa khoá trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện:
- Tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin vi sinh nhằm hỗ trợ các bác sỹ lâm sàng kiểm soát ca bệnh kịp thời
- Thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn tốt thông qua những thay đổi ngay trong bệnh viện
- Hướng tới xây dựng các phòng thí nghiệm chung cho một vài bệnh viện tuyến tỉnh nhằm chia sẻ nguồn lực và dữ liệu
- Phát triển nguồn nhân lực nhằm chuẩn bị cho tương lai:
- Đẩy mạnh thông điệp kháng kháng sinh vào hệ thống các trường đại học để chuẩn bị kiến thức cho các y, bác sỹ và dược sỹ tương lai
- Giới thiệu kiến thức kháng kháng sinh từ các cấp tiểu học và trung học nhằm xây dựng ý thức sử dụng kháng sinh một cách có trách nhiệm trong cộng đồng
- Thu hút, nuôi dưỡng và phát triển cán bộ làm công tác vi sinh và bệnh truyền nhiễm tại các bệnh viện
TS. BS. Phạm Đức Phúc, Viện trưởng VIện IEHSD phát biểu tổng kết hội thảo
Từ năm 2013, Bộ Y tế kết đã đưa ra Chương trình hành động quốc gia về Kháng kháng sinh nhằm kêu gọi đội ngũ nhân viên y tế và thú y hành động can thiệp vào quá trình kháng thuốc. Chương trình đưa ra các hoạt động cụ thể nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và cán bộ y tế về kháng thuốc, hoàn thiện hệ thống giám sát quốc gia, bảo đảm cung ứng thuốc có chất lượng, tăng cường sử dụng thuốc an toàn, kiểm soát nhiễm khuẩn, sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn trong trồng trọt và chăn nuôi.
Một số thông tin liên quan tới Hội thảo cũng được cập nhật trên website của Bộ Y tế, Báo Sức khỏe & Đời sống, Báo Khoa học & Phát triển, Kênh truyền hình VTC14, Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam.