Năm 2020, Viện Sức khỏe Môi trường và Phát triển bền vững (IEHSD), thông qua nguồn tài trợ của FAO, đã tiến hành khảo sát đánh giá nhu cầu truyền thông nguy cơ rinderpest tại huyện Ba Tri (Bến Tre) và thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk). Khảo sát nhằm mục tiêu tìm hiểu kiến thức của các hộ nông dân về rinderpest, phương thức và thói quen liên lạc của người dân với nhân viên thú y cơ sở khi xảy ra dịch bệnh, từng bước nâng cao nhận thức và khả năng phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Bên cạnh những trao đổi trực tiếp với đại diện từ 112 hộ chăn nuôi, nhóm khảo sát còn làm việc với hơn 20 cán bộ công tác tại các Chi cục và Trạm Chăn nuôi – Thú y ở hai địa phương nói trên để nắm bắt tình hình, tìm hiểu thực trạng nguy cơ dịch bệnh, điều kiện vệ sinh chuồng trại, khả năng cung ứng cũng như nhu cầu chăn nuôi và thú y của người dân tại địa phương.

Ảnh 1: Nhóm nghiên cứu từ Viện Sức khỏe Môi trường và Phát triển bền vững (IEHSD) tiến hành phỏng vấn các cán bộ Thú y tại huyện Ba Tri (Bến Tre) và thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk)
Kết quả khảo sát phản ánh một thực tế hoạt động truyền thông nguy cơ rinderpest tại hai địa phương trên còn tồn tại nhiều khó khăn. Không ít cán bộ ngành thú y (cấp tỉnh, huyện) cho rằng, do không còn xuất hiện tại Việt Nam từ lâu nên rinderpest chỉ được biết đến qua sách báo chuyên ngành, tài liệu nghiên cứu; trong khi nhân viên thú y cơ sở (cấp thôn, xã) lại chưa hề nghe nói hoặc biết đến dịch bệnh này. Hầu hết người dân tham gia phỏng vấn không hề biết đến rinderpest, thậm chí nhiều người còn nhầm lẫn với bệnh tả lỵ thông thường. Do vậy, nhu cầu truyền thông cho các hộ nông dân về dịch bệnh trong chăn nuôi nói chung và về rinderpest là rất cần thiết. Một chủ hộ chăn nuôi bò ở ấp Tân Thuận, Mỹ Hòa, Ba Tri khẳng định: “người nông dân cần được cung cấp thường xuyên những kiến thức về dịch bệnh chăn nuôi. Bởi vì trâu bò là một tài sản lớn của các gia đình, nếu rinderpest tái bùng phát sẽ giết chết trâu bò và gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi”. Một cán bộ làm việc tại Trạm Thú y – Chăn nuôi thị xã Buôn Hồ, Đăk Lắk cho biết: “Hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin không những kịp thời giúp nông dân hiểu biết thêm về nguy cơ dịch bệnh, từ đó thay đổi hành vi, thói quen trong chăn nuôi, mà còn hạn chế những rủi ro, thiệt hại, góp phần tăng hiệu quả chăn nuôi, từng bước cải thiện cuộc sống, thu nhập của người dân trên vùng đất cao nguyên”.
Ngày nay, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh sức khỏe của con người luôn gắn liền với sức khỏe động vật và môi trường sống xung quanh. Trong bối cảnh thế giới đã và đang gồng mình ứng phó với những hiểm nguy đại dịch toàn cầu, câu chuyện phòng tránh dịch bệnh trong chăn nuôi cũng như nguy cơ lây truyền dịch bệnh từ động vật sang con người trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, hoạt động truyền thông nguy cơ rinderpest cũng như các dịch bệnh trong chăn nuôi không còn là câu chuyện của riêng ngành thú y, chăn nuôi mà đã trở thành mối quan tâm chung của toàn xã hội, là nhiệm vụ cần có sự phối kết hợp hoạt động liên ngành giữa y tế, thú y, chăn nuôi, giáo dục, truyền thông và những bên liên quan khác. Tất cả vì một cộng đồng mạnh khỏe, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh và phát triển bền vững./.
Khổng Quốc Khánh
Một số hình ảnh chăn nuôi trâu bò qua chuyến khảo sát:
Một cơ sở chăn nuôi bò ở TX Buôn Hồ

Trồng cỏ làm thức ăn cho trâu bò ở Bến Tre
Rơm khô – nguồn thức ăn dự trữ cho trâu bò ở Bến Tre
[1] http://www.fao.org/ag/againfo/programmes/en/rinderpest/home.html