• Tin tức

Nguy cơ sức khỏe cộng đồng từ thịt chó, mèo

Tin tức

Nguy cơ sức khỏe cộng đồng từ thịt chó, mèo

Liên tiếp các trường hợp tử vong do bệnh dại trong thời gian gần đây khiến người dân không khỏi lo lắng. Chó, mèo gần như là vật chủ trung gian gây nên bệnh dại và lây truyền các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thế nhưng nhiều người vẫn có thói quen tiếp xúc gần, thậm chí ăn thịt chó, mèo.

Nguy cơ sức khỏe cộng đồng từ thịt chó, mèo

Nguy hại tiềm ẩn từ việc giết mổ, tiêu thụ thịt chó, mèo

Theo các chuyên gia y tế, các bệnh lây truyền từ động vật có xu hướng gia tăng, nguyên nhân chủ yếu là do con người đã tạo điều kiện cho các dịch bệnh này phát sinh và phát triển. Trong đó, buôn bán, vận chuyển, giết mổ chó, mèo là mối đe dọa tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như dại, xoắn khuẩn, tả… có thể dẫn đến tử vong.

Tiêu thụ thịt chó, mèo có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là trứng và ấu trùng không phát triển thành giun trong ruột mà xâm nhập vào gan, phổi và các cơ quan nội tạng khác. Thậm chí, nó có thể xâm nhập vào não và mắt, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người.

  • 40 người tử vong vì bệnh dại kể từ đầu năm

Thống kê trong giai đoạn 2011-2016 bình quân mỗi năm nước ta có 92 người chết vì bệnh dại và khoảng 400.000 người phải đi tiêm phòng dại do bị chó, mèo cắn, gây thiệt hại kinh tế khoảng 600 tỷ đồng chi phí điều trị dự phòng.

Giai đoạn 2017-2021 mỗi năm cả nước có 76 người chết vì bệnh dại và 510.000 người phải đi tiêm phòng dại do chó, mèo và các loại động vật khác cắn, cào, liếm.

9 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận 40 ca tử vong do bệnh dại.

Bệnh dại do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật như chó, mèo… sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết trầy xước trên cơ thể. Nhiều trường hợp mắc bệnh dại ở người có liên quan trực tiếp đến việc buôn bán thịt chó, mèo. Điển hình như bệnh nhân nam, 50 tuổi (ở huyện Mê Linh, Hà Nội) đã tử vong vì lây nhiễm bệnh dại sau khi giết mổ thịt chó.

Mới đây nhất ngày 1/12, CDC Bắc Kạn thông tin về một phụ nữ đột ngột tử vong vì bệnh dại. Trước đó, chị này từng bị chó cắn, gần đây, chị bất ngờ xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường và tử vong với kết quả dương tính virus gây bệnh dại.

Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại qua vết cắn, liếm. Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên thông thường là động vật có máu nóng, đặc biệt là chó. Ngoài ra, virus dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác.

Nguy cơ sức khỏe cộng đồng từ thịt chó, mèo - Ảnh 2.

Để đạt được mục tiêu thanh toán bệnh dại vào năm 2030, cần chấm dứt nạn buôn bán thịt chó mèo.

Không tiêu thụ thịt chó, mèo để phòng bệnh dại

Các chuyên gia khuyến cáo, từ bỏ thói quen ăn thịt chó mèo để tránh nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm như virus dại, rối loạn đông máu, xoắn khuẩn, tụ cầu khuẩn. Thêm nữa, nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao, có khi tử vong khi chó, mèo thương phẩm bị đánh bả từ thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột... trộn vào thức ăn.

Theo khuyến cáo, để phòng chống hiệu quả các bệnh nêu trên cần có sự vào cuộc quyết liệt của nhiều ngành liên quan cũng như việc thực hiện đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền bằng nhiều hình thức về phòng, chống bệnh dại; nguy cơ, tác hại của các bệnh truyền nhiễm như dại, xoắn khuẩn, tả... khi sử dụng thịt chó, mèo để cộng đồng nhận thức và từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi Hà Nội cho biết: "Để phòng bệnh dại và các bệnh lây nhiễm từ chó, mèo cần siết chặt quản lý vật nuôi là yêu cầu cấp thiết, như vậy mới thống kê để thực hiện tiêm vaccine phòng dại. Thêm nữa, việc buôn bán, giết mổ chó, mèo hiện nay gần như tự do, chưa có sự quản lý, chưa có quy trình giết mổ nên cơ quan thú y rất khó kiểm tra, quản lý đối với các cơ sở, điểm giết mổ chó, mèo trên địa bàn".

Nguy cơ sức khỏe cộng đồng từ thịt chó, mèo - Ảnh 3.

Nguy cơ sức khỏe cộng đồng từ thịt chó, mèo.

Trước nguy cơ cao về các bệnh truyền nhiễm, việc ban hành các văn bản quy định nhằm giảm thiểu rủi ro đáng tiếc cho sức khỏe cộng đồng, bao gồm cả việc cấm buôn bán chó, mèo là hết sức cần thiết. Nhằm chấm dứt một cách bền vững nạn buôn bán thịt chó, mèo ở Việt Nam, Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu (FOUR PAWS) thực hiện nhiều chương trình ở Việt Nam. Cuối năm 2020, dưới sự vận động, giúp đỡ của tổ chức này, lò mổ đầu tiên đã được đóng cửa ở Thái Bình. Đây là bước ngoặt trong thay đổi nhận thức của người dân về phúc lợi vật nuôi. Cuối tháng 12/2021, UBND TP Hội An cũng đã ký thỏa thuận lịch sử không buôn bán, tiêu thụ thịt chó, mèo.

BS. Karanvir Kukreja, Trưởng chương trình Động vật đồng hành tại Đông Nam Á của FOUR PAWS cho biết: "Các chuyên gia đã và đang tích cực làm việc để cùng giải quyết các rủi ro từ nạn buôn bán thịt chó, mèo. Ngày 8/12 tới, chúng tôi sẽ tổ chức buổi đối thoại với các bên hữu quan để thảo luận về các giải pháp cho vấn đề này. Trên thực tế, thịt chó, mèo không phải là nguồn thực phẩm thiết yếu, chỉ có 6% người Việt Nam ăn thịt chó, mèo thường xuyên, trong khi có tới hơn 90% người ủng hộ cấm.

Để đạt được mục tiêu thanh toán bệnh dại vào năm 2030, cần chấm dứt nạn buôn bán thịt chó, mèo. Khi nạn trộm cắp đang tiêu thụ bất hợp pháp hàng triệu con chó, mèo đã được tiêm phòng vào các lò mổ thì khả năng loại bỏ bệnh dại rất khó thực hiện vì không thể đạt được độ bao phủ vaccine".

Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống

 Nhận báo giá tốt